Nhà cổ Tấn Ký là ngôi nhà cổ được xây dựng từ hơn 200 năm trước đây, tại địa chỉ số 101 Nguyễn Thái Học, trung tâm thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Nhà cổ Tấn Ký không phải là một ngôi nhà cổ xưa nhất ở Hội An mà là ngôi nhà cổ có kiến trúc hình ống đặc trưng của loại nhà phố ở Hội An. Đây cũng là ngôi nhà cổ đầu tiên được Bộ Văn hoá - Thông tin cấp bằng công nhận “Công trình Văn hóa” cùng hai di tích khác tại Hội An từ năm 1985.
Nhà cổ Tấn Ký được dựng nên bởi những đường nét kiến trúc đa quốc gia. Ở đây có thể nhìn thấy những chi tiết của kiến trúc Nhật Bản, thể hiện ở chi tiết trồng rường giả thủ. Một kiến trúc khác của phương Đông được đan xen với hình ảnh thanh kiếm vắt chéo cùng dải lụa. Kiến trúc Việt Nam thể hiện qua những đường nét kiến trúc trên tầng hai với mái âm dương.
Mặt tiền nhà cổ là nơi để mở cửa hiệu buôn bán, mặt sau thông với bến sông để làm nơi xuất, nhập hàng hóa. Vật liệu trang trí nội thất ngôi nhà cổ Tấn Ký chủ yếu là các loại gỗ quý, được chạm trổ rất tinh xảo… thể hiện sự giàu có, phô trương của các thế hệ chủ nhân. Theo đại diện của gia đình, nhà cổ Tấn Ký hiện là một trong số ít những những căn nhà cổ còn lại nguyên vẹn và đẹp nhất Việt Nam hiện nay. Gạch và đá cũng được sử dụng nhiều ở các chi tiết như sàn nhà, ngoại thất, tường… Các loại gạch và đá được mang về từ Bát Tràng, Thanh Hóa, Non Nước… Nhà cổ Tấn Ký có hệ sàn nhà đá rất bền theo thời gian. Sau nhiều lần nước lụt ngập mênh mông, đến khi nước rút, toàn bộ hệ sàn nhà vẫn còn lại như chưa từng trải qua một biến cố nào. Đến đây, du khách tham quan còn có thể được chiêm ngưỡng chén Khổng Tử, một loại chén có vẻ ngoài trang trí đơn giản theo kiểu Tàu. Nhưng đây là loại chén đặc biệt, khi từ từ rót nước gần đầy thì phải ngừng lại bởi nếu rót thêm thì nước sẽ tự chảy đi hết. Triết lý của Khổng Tử thông qua cái chén này là con người nên kiềm chế ham muốn, tuy vậy triết lý của ông cũng mang tính tiêu cực khi không muốn con người phấn đấu, vươn lên mà mang nặng tính bảo thủ, trì trệ, kìm hãm sự phát triển. Chủ nhà cổ Tấn Ký vẫn giữ cách bày trí nội thất và sử dụng các vật dụng cổ kính có từ thời xưa. Nhiều vật chứng của thời kỳ thương mại phồn thịnh và sự giao lưu văn hoá giữa các dân tộc Nhật - Việt rất phổ biến trong giai đoạn sau thế kỷ 17 hiện vẫn được bảo quản, giữ gìn theo thời gian. |